Trong điều trị bệnh đái tháo đường, chế độ ăn là một trong những điểm mấu chốt trong kiểm soát đường huyết nó ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết.
Vậy mẹ bầu đái tháo đường thì có được ăn trái cây không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Mẹ bầu bị đái tháo đường có ăn trái cây được không?
Trong trái cây có chứa fructose – là carbonhydrat có thể làm tăng đường huyết.
Tuy nhiên, về lợi ích của việc ăn trái cây thì không ai có thể phủ nhận.
-
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và câc chất chống oxy hóa cho cơ thể rất tốt cho sức khỏe (giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư và nâng cao thể trạng).
-
Trái cây là nguồn cung cấp chất xơ giúp phòng ngừa tình trạng táo bón, làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn nên giúp phòng ngừa đường huyết tăng đột ngột sau ăn.
Vì vậy, phụ nữ mang thai dù bị đái tháo đường hay không vẫn luôn được khuyên nên ăn trái cây.
Phụ nữ mang thai dù bị đái tháo đường hay không vẫn luôn được khuyên nên ăn trái cây.
Nguyên tắc ăn trái cây cho mẹ bầu bị đái tháo đường
Chọn loại trái cây phù hợp
Trái cây có nhiều loại, có loại làm tăng đường huyết từ từ nhưng cũng có loại làm tăng đường nhanh chóng. Yếu tố nhanh, chậm dựa vào hàm lượng đường và chất xơ trong trái cây.
Các loại trái cây phù hợp cho người bệnh đái tháo đường là những loại chứa ít đường, nhiều chất xơ và vitamin.
Khi lựa chọn trái cây, chúng ta nên dựa vào chỉ số đường huyết của loại quả đó (glycemic index). Chỉ số đường huyết của một loại thức ăn là khả năng làm tăng đường huyết sau khi ăn quả đó. Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp làm tăng đường huyết từ từ sau khi ăn. Các loại có chỉ số đường huyết cao làm đường huyết tăng nhanh và tăng cao sau khi ăn. Người bị đái tháo đường ưu tiên lựa chọn những loại quả có GI thấp (GI ≤ 55), hạn chế những loại quả có GI cao trên 70.
Những trái cây có chỉ số đường huyết thấp nên lựa chọn là: ổi, bưởi, cam, táo, lê, thanh long, bơ, chuối…
Những trái cây có chỉ số đường huyết cao nên hạn chế: nhãn, vải, mít,chôm chôm, sầu riêng…
Ăn đa dạng trái cây
Mỗi loại trái cây có màu sắc khác nhau sẽ cung cấp loại vitamin và khoáng chất khác nhau. Vì vậy, nên ăn đa dạng các loại trái cây giúp nhận được nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất khác nhau. Không nên theo thói quen, sở thích mà chỉ ăn một số loại trái cây nhất định.
Ăn nguyên trái
Ăn nguyên trái, nguyên múi (cam), nên ăn trái cây cả vỏ (táo, nho) bởi chất xơ có nhiều trong vỏ, xác làm chậm quá trình hấp thu đường và cải thiện tình trạng táo bón và có thể giúp giảm nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2. Không nên uống sinh tố hoặc nước ép vì dễ tăng đường huyết cao sau ăn.
Chọn trái cây tươi
Bạn nên ăn trái cây tươi, hạn chế sử dụng trái cây sấy hoặc phơi khô vì tỷ lệ đường cao, các chất dinh dưỡng trong trái cây bị thay đổi khi chế biến.
Trái cây sấy khô thường tẩm thêm đường, chất phụ gia và chất bảo quản, không tốt cho sức khỏe.
Chọn trái cây vừa chín tới
Bạn nên chọn trái cây vừa chín tới.
Nếu quả càng chín và chuyển sang màu vàng đậm hoặc nâu (ví dụ như chuối, xoài) thì hàm lượng đường trong trái cây sẽ càng cao.
Thời điểm ăn trái cây hợp lý
Theo khuyến cáo của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, chúng ta có thể ăn trái cây ngay sau ăn hoặc thời điểm cách bữa chính 2 giờ tùy theo thói quen, sở thích cũng như mức độ đường huyết của mỗi người.
Ví dụ: Nếu đường huyết của người bệnh tăng nhiều sau bữa ăn chính thì nên ăn trái cây cách bữa ăn chính 2 giờ.
Chế độ ăn hợp lý của người đái tháo đường
-
Bữa ăn của người bị đái tháo đường đầy đủ 4 nhóm chất chính: bột đường, đam, béo, rau và trái cây
-
Giữ ổn định số lượng chất bột đường trong các bữa ăn phù hợp với mình, biết thay thế thức ăn giàu tinh bột.
-
Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<= 55), các loại thực phẩm nguyên hạt, giàu chất xơ như gạo lức, bánh mì đen..Khi ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình (56 – 69%) hoặc chỉ số đường huyết cao (>70%), cần phối hợp các thực phẩm nhiều chất xơ. Những thực phẩm giàu chất xơ như rau, củ, mỗi ngày ăn từ 300 – 500 g rau.
-
Tránh ăn và uống các thực phẩm nhiều đường hấp thu nhanh như đường kính, mật ong, các loại mứt, quả chín khô, kẹo, socola, nước ngọt có ga.
-
Hạn chế dùng mỡ động vật, da, nội tạng, bơ, margarin, dầu dừa, dầu cọ. Nên lựa chọn những thực phẩm giàu chất béo tốt cho cơ thể như dầu nành, dầu mè, dầu oliu, hoặc chất béo từ cá. Ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật. Hạn chế các món xào nhiều dầu hoặc mỡ, các món rán, món nướng.
-
Giảm lượng muối, gia vị chứa muối trong chế biến thực phẩm, tốt nhất là hạn chế nêm gia vị trong thức ăn.
-
Tiết chế những thức uống có cồn như rượu bia.
Việc ăn hoa quả khi mang thai và bị tiểu đường là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Hoa quả cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, nhưng cũng chứa đường tự nhiên có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết. Mẹ bầu nên lựa chọn các loại hoa quả ít đường, và điều chỉnh lượng ăn vào theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Hãy luôn lắng nghe cơ thể và theo dõi mức đường huyết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với lối sống lành mạnh, sẽ giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe tốt trong suốt thai kỳ.