8 CÁCH TRỊ ỌC SỮA CHO BÉ HIỆU QUẢ - MẸ BIẾT CHƯA ?

Trẻ thường xuyên ọc sữa, bố mẹ có thể thử các cách trị ọc sữa ở trẻ sơ sinh tại nhà bằng cách thay đổi các thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng của trẻ. Tuy nhiên, nếu ọc sữa ở trẻ sơ sinh đi kèm các triệu chứng bất thường, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ tích cực.

 

I. Ọc sữa ở trẻ sơ sinh là bị gì?

Ọc sữa ở trẻ sơ sinh là tình trạng trào ngược các chất trong dạ dày lên thực quản (trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh). Điều này xảy ra do cơ vòng thực quản dưới (nằm giữa thực quản và dạ dày) chưa trưởng thành nên chưa thể giữ các chất trong dạ dày ở đúng vị trí một cách hiệu quả. Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ sơ sinh đã bú no.

Lưu ý, ọc sữa ở trẻ sơ sinh khác với nôn ói. Việc phân biệt đúng giữa nôn ói và ọc sữa giúp bố mẹ phát hiện sớm tình trạng sức khỏe của trẻ, từ đó chăm sóc trẻ an toàn và khỏe mạnh hơn.

  • Ọc sữa: một lượng sữa nhỏ trong dạ dày dễ dàng trào ra khỏi miệng, thường đi kèm với biểu hiện ợ hơi ở trẻ và không liên quan đến sự co thắt của các cơ bên trong dạ dày.
  • Nôn ói: Cơ bụng co thắt khiến trẻ khó chịu, chất nôn được nôn mạnh ra ngoài qua miệng thành vòi.

II. Vì sao trẻ sơ sinh bị ọc sữa?

Ọc sữa ở trẻ sơ sinh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, được chia làm hai nhóm nguyên nhân chính như sau: 

1. Nguyên nhân sinh lý

Ở trẻ sơ sinh, hệ thống tiêu hóa của trẻ còn non yếu, các van trong dạ dày của trẻ vẫn chưa thể hoạt động một cách hiệu quả, đồng bộ. Do đó, khi trẻ bú quá no hay nằm ngay sau khi bú đề có thể bị ọc sữa.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh thường nuốt phải khí khi bú. Lượng khí này tích tụ trong dạ dày, gây cảm giác no, dẫn đến hiện tượng ợ hơi, có thể kéo theo tình trạng ọc sữa ở trẻ.

2. Nguyên nhân bệnh lý

Đa số các trường hợp trẻ sơ sinh bị ọc sữa là hiện tượng sinh lý bình thường nhưng ở một số trẻ, đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Vậy nên, nếu trẻ ọc sữa kèm theo các bất thường sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt:

  • Trẻ sơ sinh ọc sữa liên tục gây nên các triệu chứng như ho, thở khò khè kéo dài.
  • Trẻ thường xuyên bị viêm phổi.
  • Trẻ nôn ra máu hoặc nôn ra dịch vàng, xanh.
  • Trẻ bú kém, chậm tăng cân, sụt cân.
  • Trẻ bị rối loạn giấc ngủ.
  • Trẻ bị tiêu chảy, phân có dịch nhầy, máu.
  • Trẻ bị sốt, quấy khóc nhiều.

Một số bệnh lý có thể gây nên hiện tượng ọc sữa ở trẻ sơ sinh:

  • Hẹp phì đại môn vị: Tình trạng ọc sữa ở trẻ sơ sinh không diễn ra sau khi trẻ bú. Trẻ thường sẽ cảm thấy đói và đòi bú lại ngay sau khi ọc sữa. Dịch ọc không có màu vàng hay xanh.
  • Teo, tắc ruột: ọc sữa kèm theo dịch vàng, xanh, chậm tiêu phân su,…
  • Xoắn ruột: ọc sữa có khi kèm theo dịch vàng, xanh, tiêu nhày máu,…

III. 8 Cách trị ọc sữa ở trẻ sơ sinh

Trẻ bị ọc sữa sinh lý, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp dưới đây nhằm giúp cải thiện tình trạng này ở trẻ: (3)

1. Vỗ ợ hơi cho bé đúng cách

Trẻ sơ sinh bú mẹ hay bú bình đều có thể bị ọc sữa do ợ hơi. Do đó, bố mẹ nên thường xuyên vỗ ợ hơi đúng cách cho trẻ. Một số tư thế vỗ ợ hơi bố mẹ có thể tham khảo:

  • Tư thế 1: Bế trẻ thẳng đứng, đầu và mặt tựa vào vai mẹ và xoa lưng trẻ một cách nhẹ nhàng. Nếu trẻ vẫn chưa có phản ứng gì, mẹ có thể vỗ nhẹ sau lưng trẻ (nhấc cao tay rồi vỗ nhẹ lên lưng trẻ).
  • Tư thế 2: Đặt trẻ nằm úp trên đùi mẹ và xoa nhẹ lưng nhằm giúp trẻ giải phóng lượng khí đang tích tụ trong dạ dày.
  • Tư thế 3: Khi cho trẻ bú được khoảng 60ml, mẹ giữ trẻ bằng hai tay (một tay trước ngực, một tay sau lưng) và nhấc trẻ lên một cách nhẹ nhàng để giúp trẻ giải phóng khí trong dạ dày, phòng ngừa ọc sữa, đầy hơi.
  • Tư thế 4: Bế trẻ lên vai, một tay giữ phần mông, một tay xoa hoặc vỗ nhẹ lên lưng trong 5 – 15 phút để trẻ ợ hơi ra ngoài.

Mẹ nên tập cho trẻ làm quen với việc vỗ ợ hơi trong một khoảng thời gian nhất đinh. Thời điểm tốt nhất để vỗ ợ hơi là sau mỗi lần trẻ bú được khoảng 60ml hoặc khi trẻ chuyển từ bầu vú này sang bầu vú kia. Bên cạnh đó, mẹ nên kê lên thêm 1 chiếc khăn dành cho trẻ sơ sinh dưới cổ trẻ trước khi thực hiện để phòng ngừa trẻ ọc sữa.

2. Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng và yên lặng sau khi ăn

Dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang hơn so với người trưởng thành. Vì vậy, để phòng ngừa trẻ ọc sữa sau khi bú, mẹ nên để trẻ bú ở tư thế thẳng đứng và giữ yên trong tư thế này khoảng 30 phút sau bú.

Việc cho trẻ nằm ngay sau bú không chỉ tăng nguy cơ ọc sữa ở trẻ mà còn có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Đồng thời, mẹ nên tránh cho trẻ chơi đùa, nằm nôi sau bú.

3. Cho trẻ ăn theo liều lượng nhỏ và thường xuyên

Kích thước dạ dày của trẻ nhỏ hơn nhiều so với dạ dày người trưởng thành. Vì thế, khi cho trẻ bú, mẹ chỉ nên cho trẻ bú một lượng vừa đủ, tránh để trẻ quá no. Mẹ nên chia nhỏ cữ bú trong ngày, giảm bớt lượng sữa cho trẻ bú trong mỗi cữ bú. Điều này không chỉ giúp đảm bảo trẻ được bổ sung đủ chất mà còn trẻ tiêu hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn, giảm nguy cơ trẻ bị ọc sữa do đầy bụng, khó tiêu.

4. Không để trẻ vừa nằm vừa bú

Trẻ vừa nằm vừa bú rất dễ nuốt phải không khí dẫn đến hiện tượng ợ hơi, ọc sữa. Do vậy, mẹ nên tránh cho trẻ bú trong tư thế này. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ nằm ngay sau bú bởi điều này cũng làm tăng nguy cơ ọc sữa ở trẻ.

5. Bổ sung canxi đúng cách

Trẻ thiếu canxi hay được bổ sung quá nhiều canxi đều có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng như còi xương, táo bón, vôi hóa thận, xương biến dạng, đau xương,… Do đó, việc bổ sung canxi đủ và đúng cách cho trẻ sơ sinh là vô cùng quan trọng.

6. Để bé ngủ ở tư thế dễ chịu

Trẻ sơ sinh chưa thể tự điều chỉnh cơ thể, tư thế ngủ của mình. Do đó, khi cho trẻ ngủ, bố mẹ nên lựa chọn các tư thế dễ chịu nhằm giúp trẻ cảm thấy thoải mái, ngủ ngon và sâu giấc. Đối với trẻ bị ọc sữa, bố mẹ nên để đầu trẻ cao hơn thân 1 góc 30 độ để ngăn ngừa tình trạng sữa bị trào ngược ra ngoài khi ngủ.

7. Tránh xa khói thuốc lá

Khói thuốc lá là tác nhân gây nên nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi trẻ hít phải khói thuốc, dạ dày tăng tiết acid khiến trẻ bị ọc sữa thường xuyên.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy, có hơn 7000 chất hóa học, hàng trăm chất độc và khoảng 70 chất gây ung thư tồn tại trong khói thuốc lá. Hàng năm, có đến 1000 trẻ sơ sinh tử vong do mẹ bầu hút thuốc lá trong thai kỳ. Trẻ sơ sinh hút thuốc lá thụ động có thể mắc các bệnh hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai thường xuyên hơn. Đáng chú ý, khói thuốc lá có thể gây nên hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Do đó, trẻ sơ sinh cần tránh xa khói thuốc lá.

8. Mặc bỉm, tã lỏng cho bé

Mặc bỉm, tã lỏng có thể giúp làm giảm áp lực lên vùng bụng khiến trẻ cảm thấy thoải mái, ít ọc sữa hơn. Lưu ý, mẹ không nên thay bỉm, tã ngay sau khi cho trẻ bú bởi khi thay tã, trẻ nằm ngửa và nhấc 2 chân trẻ lên cao có thể gây ọc sữa.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    ĐĂNG KÝ TRẢI NGHIỆM

    Đặt lịch chăm sóc mẹ và bé
    Nổi bật
    Đối tác của chúng tôi
    1
    2
    3
    4
    5
    6
    7
    8
    9
    10

    Bản đồ chỉ dẫn

    Facebook nora care

    Kênh youtube