Lắc lư cơ thể, đập đầu là biểu hiện của bệnh gì?
Theo khoa học, người ta gọi đây là hội chứng rối loạn vận động nhịp nhàng ở trẻ. Hội chứng này là tình trạng trẻ có hành động lặp đi lặp lại, thường xuất hiện quanh giấc ngủ trưa và tối (khi bé buồn ngủ) và có thể lại xuất hiện khi bé tỉnh giấc vào ban đêm.
Hội chứng này có biểu hiện khá đa dạng:
-
Lắc lư cơ thể: Bé nằm lắc người qua phải qua trái rất đều đặn, nhanh và mạnh. Một số bé ngồi được thì đung đưa phần thân trên ra trước và sau như một con lật đật.
-
Tư thế bò: kéo cưa thân người ra trước và ra sau
-
Đập đầu: Trẻ đập đầu vào gối, nệm, cũi hoặc tường (thường ở tư thế nằm sấp).
-
Lắc đầu: Trẻ xoay đầu và cổ từ bên này sang bên kia (thường ở tư thế nằm ngửa).
-
Có bé còn phối hợp vừa đập đầu vừa lắc người. Đôi khi bé còn phát ra âm thanh từ miệng nhịp nhàng theo cơ thể.
Thông thường những hành động này kéo dài khoảng 15 phút và thường tự hết khi bé ngủ được.
Các hành vi này thường bắt đầu khi trẻ được 6-9 tháng tuổi và sẽ tự hết khi bé lớn dần. Đa số bé sẽ tự hết khi bé 3 tuổi và chỉ có khoảng 5% bé có hành vi này kéo dài đến 5 tuổi.
Các hành vi này thường bắt đầu khi trẻ được 6-9 tháng tuổi và sẽ tự hết khi bé lớn dần
Hội chứng này có đáng lo?
Những hành vi trẻ đập đầu, lắc lư người là lạ nhưng lại bình thường và an toàn.
Những hoạt động rung lắc đập vào các bộ phận cơ thể nhịp nhàng thế này được xem là hành động tự dỗ dành, tự trấn an, giúp bé giảm căng thẳng, tự ru bản thân vào giấc ngủ hoặc để giải phóng năng lượng còn dư thừa.
Nếu bạn để ý thì thường bé có hành động này lúc bé buồn ngủ và tự ngưng khi bé chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh dậy, bé hoàn toàn bình thường, không nhớ được những gì xảy ra trước đó. Bé vẫn vui vẻ, chơi đùa và ăn uống bình thường.
Bố mẹ cần làm gì?
-
Để giảm hành vi này, bố mẹ không nên cho bé nằm vào giường quá lâu trước giờ đi ngủ vì sẽ kích thích hành vi tự dỗ ngủ của bé hơn.
-
Một số trường hợp bé bị căng thẳng, stress, hoặc có những thay đổi lớn trong môi trường sống, bé có thể bắt đầu hành vi này. Vì vậy, nếu có trường hợp này thì bố mẹ nên dành thời gian để dỗ dành, ôm ấp và hỗ trợ giảm stress cho bé.
-
Bố mẹ chú ý đến khả năng tai nạn có thể xảy ra: Nếu bé lắc giường cũi quá nhiều, bạn nên kiểm ra ốc vít của cũi. Nếu cũi đặt sắt tường, bạn nên dời cũi xa tường để tránh trường hợp bé đập đầu vào tường.
Khi nào cho bé đi khám?
-
Bé bị chấn thương
-
Bé có những vấn đề phát triển tâm thần vận động trước đó như: chậm phát triển, tự kỷ, các bệnh về thần kinh, tâm thần.
-
Bạn nghi ngờ bé bị rối loạn giấc ngủ và có những cơn ngưng thở khi ngủ.
-
Bé lắc đầu liên tục và có kèm theo một số dấu hiệu bất thường thì có thể bé mắc một số bệnh lý khác. Ví dụ:
-
Trẻ lắc đầu liên tục kèm thêm các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (ho, sổ mũi, nghẹt mũi), mắt có ghèn, hay ngứa tai, kéo tai thì có thể bé đang bị viêm tai giữa. Khi ngủ, dịch trong tai chảy ra khiến bé ngứa ngáy khó chịu nên bé lắc đầu liên tục để giảm tình trạng khó chịu này.
-
Trẻ lắc đầu liên tục kèm theo rụng tóc, còi xương, phát triển chậm, chậm biết đi…có thể bé bị thiếu canxi.
-
Trẻ lắc đầu liên tục, không biết tiếp xúc bằng ánh mắt, không biểu lộ cảm xúc, không thích giao tiếp, chậm nói…có thể bé bị rối loạn tự kỷ.
Với những kiến thức chia sẻ trong bài viết, Blog kiến thức Nora Care hi vọng giúp mẹ đỡ lo lắng khi con có biểu hiện của hội chứng này.