Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Vàng da là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, có thể được phân làm hai nhóm gồm vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vậy vàng da sinh lý là gì?

 

Tổng quan vàng da sơ sinh

Vàng da sơ sinh là tình trạng da, niêm mạc của trẻ trở nên vàng do sự gia tăng nồng độ bilirubin toàn phần trong máu gây lắng đọng bilirubin trên da của trẻ. Tình trạng này thường gặp trong khoảng 2 tuần đầu đời và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện sau sinh. Có khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non bị vàng da trong tuần đầu tiên sau khi sinh.

Ở trẻ sơ sinh, sự gia tăng bilirubin trong máu được chia làm hai loại là tăng bilirubin máu gián tiếp và tăng bilirubin máu trực tiếp. Trong đó, tăng bilirubin gián tiếp chiếm đa số các trường hợp vàng da sơ sinh và có thể là sinh lý hoặc bệnh lý. Tuy nhiên, vàng da sơ sinh do tăng bilirubin máu trực tiếp luôn luôn là vàng da bệnh lý.

Đối với vàng da sơ sinh bệnh lý, việc không xác định và điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến bệnh não do tăng bilirubin và các di chứng thần kinh liên quan. Trẻ sinh non và những trẻ bị thiếu hụt enzyme bẩm sinh là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng không tốt bởi sự tăng bilirubin lên hệ thần kinh trung ương.

Bệnh não cấp là một trong những biến chứng nặng do tăng bilirubin, xảy ra với tỷ lệ khoảng 1 trên 10.000 ca sinh sống. Tỷ lệ tổn thương di chứng não ước tính khoảng 1 trên 50.000 đến 100.000 ca sinh sống.


Vàng da sinh lý là gì?

Vàng da sinh lý là tình trạng vàng da bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi sinh ở trẻ không sinh non, trẻ vẫn khỏe mạnh và không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác kèm theo như sốt, đừ, bú kém, phân nhạt màu nước tiểu sậm màu, xanh xao… Đồng thời, nồng độ bilirubin trong cơ thể không vượt quá ngưỡng điều trị. Và trong quá trình theo dõi, tình trạng vàng da này phải được cải thiện và hết hẳn sau khoảng 1 – 2 tuần.

Trẻ vàng da sinh lý bắt đầu có biểu hiện sau khoảng 2 đến 4 ngày đầu đời.

 

Cơ chế vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh

Ở giai đoạn thai nhi, cơ thể trẻ có rất nhiều tế bào hồng cầu với nhiệm vụ vận chuyển oxy từ nhau thai đến các cơ quan, tế bào trong cơ thể. Khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ, một chất gây vàng da được gọi là bilirubin sẽ được tạo thành. Lúc này, gan sẽ đảm nhiệm chức năng chuyển hóa bilirubin để đào thải ra ngoài cơ thể thông qua đường nước tiểu và phân. 

Tuy nhiên, hoạt động và chức năng gan của trẻ sơ sinh còn non nớt và chưa thực sự hiệu quả dẫn đến tình trạng bilirubin tích tụ nhiều hơn bilirubin được đào thải dẫn đến hàm lượng bilirubin trong máu của trẻ tăng.

 

Triệu chứng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh

Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là tình trạng vàng da và niêm mạc ở mức độ nhẹ, không liên quan đến bất kỳ bệnh lý nào. Tình trạng vàng da thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan rộng ra ngực, bụng (phần trên rốn). Trẻ không có các triệu chứng nghiêm trọng như thiếu máu, lừ đừ, bú kém, co giật, sốt, tiêu phân nhạt màu, tiểu sậm màu…

Thông thường, tình trạng vàng da sinh lý có thể nhận biết thông qua quan sát màu da của trẻ; tuy nhiên điều này sẽ khó hơn nếu trẻ có làn da sậm màu. Tình trạng vàng da sẽ được cải thiện sau khoảng 1 – 2 tuần nếu trẻ được được chăm sóc đúng cách.

 

Cách phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý

Khác với vàng da sinh lý, vàng da bệnh lý là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng ở sơ sinh, xảy ra do trẻ mắc phải một bệnh lý nào đó gây vàng da như tán huyết do bất đồng nhóm máu ABO hoặc Rhesus, thiếu men G6PD, nhiễm trùng huyết, rối loạn chuyển hóa, teo đường mật bẩm sinh, hẹp môn vị,…

Các triệu chứng vàng da có thể xuất hiện sớm trong khoảng 24 giờ đầu sau sinh với diễn tiến nhanh chóng, hoặc biểu hiện nặng. Các triệu chứng của vàng da bệnh lý thường gặp như: vàng da sớm sậm màu lan rộng toàn thân đến lòng bàn tay và lòng bàn chân, lừ đừ, li bì, sốt, phân bạc màu, nước tiểu sậm màu…

Trẻ bị vàng da bệnh lý sẽ được điều trị tại bệnh viện. Việc điều trị bao gồm điều trị tình trạng vàng da và giải quyết căn nguyên dẫn đến tình trạng này. Chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da phổ biến. Các điều trị kèm theo khác có thể gồm thay máu, thuốc (IVIg, Phenobarbital,…) tùy mức độ nặng và nguyên nhân vàng da. Việc điều trị vàng da bệnh lý là vô cùng cần thiết, giúp giảm nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ.

 

Chăm sóc trẻ vàng da sinh lý tại nhà

Đa số vàng da sinh lý sẽ được bác sĩ hướng dẫn điều trị và chăm sóc tại nhà với các biện pháp như:

  • Đảm bảo trẻ bú đủ sữa: Cho trẻ bú đủ sữa, bú sữa theo nhu cầu sẽ giúp các cơ quan phát triển hoàn thiện và hoạt động hiệu quả hơn. Đối với trẻ bú mẹ, trung bình mẹ nên cho trẻ bú khoảng 8 – 12 lần/ngày, bú đúng cách.
    Lưu ý, trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, uống đủ nước để đảm bảo chất lượng sữa cho bé. Vệ sinh tay và vùng ngực sạch sẽ trước và sau khi cho trẻ bú. Rửa sạch, khử khuẩn bình sữa cho trẻ đúng cách.

  • Cho trẻ nằm phòng đầy đủ ánh sáng: Trẻ sơ sinh nên được nghỉ ngơi, chăm sóc trong không gian thông thoáng, sạch sẽ, có nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng thích hợp. Điều này không chỉ giúp trẻ thoải mái, ngủ tốt hơn mà bố mẹ có thể theo dõi tình trạng vàng da của trẻ dễ dàng hơn; từ đó có thể tái khám kịp thời nếu vàng da diễn tiến tăng dần hoặc kéo dài.

  • Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ: Thông qua tái khám định kỳ, bác sĩ sẽ theo dõi và đánh giá tình trạng vàng da cũng như sức khỏe của trẻ, từ đó có hướng xử trí kịp thời nếu trẻ tiềm ẩn vấn đề sức khỏe nào đó.

Cho trẻ bú đủ sữa mẹ mỗi ngày để cải thiện tình trạng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh.

Khi nào nên đưa bé bị vàng da đến gặp bác sĩ?

Trẻ sơ sinh có dấu hiệu vàng da cần được đưa đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp. Trong khoảng thời gian chăm sóc trẻ vàng da sinh lý tại nhà, nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường dưới đây, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Trẻ sốt.

  • Trẻ bú kém (lượng sữa hoặc số lần bú trong ngày của trẻ giảm 50% so với bình thường).

  • Trẻ có biểu hiện mệt mỏi nhiều, li bì, ủ rũ.

  • Tình trạng vàng da của trẻ không thuyên giảm, thậm chí ngày càng nặng hơn; vàng da lan rộng toàn bộ cơ thể đến bàn tay và bàn chân.

  • Trẻ vàng da tái phát sau điều trị tại bệnh viện.

  • Vàng da kéo dài trên 2 tuần ở trẻ sơ sinh đủ tháng và hơn 3 tuần ở trẻ sinh non.

  • Màu phân nhạt, nước tiểu có màu vàng sậm.

 

Câu hỏi thường gặp về tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về vàng da sinh lý:

1. Vàng da sinh lý có cần chiếu đèn không?

Vàng da sinh lý không cần chiếu đèn vì đây là loại vàng da nhẹ, được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc và theo dõi tại nhà. Trẻ cần được cho bú đủ sữa, quan sát màu da và tái khám theo hẹn.

2. Vàng da sinh lý có nguy hiểm không?

Vàng da sinh lý thường không gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường sẽ cải thiện sau một vài tuần nếu trẻ được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, phụ huynh không chủ quan khi chăm sóc trẻ sơ sinh vàng da tại nhà, cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ, đưa trẻ tái khám định kỳ hoặc khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường.

Hy vọng với những thông tin trên, phụ huynh đã hiểu rõ hơn về vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu vàng da, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

 

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    ĐĂNG KÝ TRẢI NGHIỆM

    Đặt lịch chăm sóc mẹ và bé
    Nổi bật
    Đối tác của chúng tôi
    1
    2
    3
    4
    5
    6
    7
    8
    9
    10

    Bản đồ chỉ dẫn

    Facebook nora care

    Kênh youtube